Trương Bé: bậc thầy trong lĩnh vực hội hoạ trừu tượng
Tên tuổi của hoạ sĩ Trương Bé (1942 – 2020) gắn liền với những tác phẩm hội hoạ trừu tượng và sự vận dụng chất liệu sơn mài truyền thống vào những tác phẩm vượt không gian và thời gian. Tranh của ông được sưu tập tại các Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, TPHCM, Huế, Đà Nẵng, Singapore… và các bộ sưu tập cá nhân ở nhiều nước như Việt Nam, Pháp, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Canada, Mỹ…
Họa sĩ Trương Bé sinh năm 1942 tại Quảng Trị. Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội năm 1974, ông về công tác tại trường ĐH Nghệ thuật Huế và từng làm Hiệu trưởng trường giai đoạn 1996 – 2000. Ngoài ra, ông từng đảm nhận vai trò như: Phó chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành Hội họa – Hội Mỹ thuật Việt Nam, khóa 4 (1994-1999); Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa 4 (1994 – 1999), khóa 5 (1999 – 2004), khóa 6 (2004 – 2009); thành viên Hội đồng nghệ thuật Trung ương Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa 5 (1999 – 2004), khóa 6 (2004 – 2009).
Hoạ sĩ Trương Bé đã khám phá lối mạo hiểm riêng biệt của mình thông qua việc áp dụng phong cách hội hoạ trừu tượng vào chất liệu sơn mài. Sự kết hợp giữa ngôn ngữ hội hoạ của phương Tây và chất liệu truyền thống Việt Nam là điểm nhấn độc đáo trong các tác phẩm của ông. Ông được biết đến là một trong những người tiên phong trong việc đưa sơn mài vào hội hoạ trừu tượng. Sau quãng thời gian học tập tại Hungary, ông trở về và càng trở nên kiên định với phong cách này. Năm 1988, ông có triển lãm ở Hà Nội, có người khen người chê nhưng đa số đều đồng ý triển lãm mới mẻ, có sự tìm tòi, phát triển.
Trương Bé – Càn khôn. Sơn mài. 180x231cm. Sưu tập Nguyễn Đức Thành, Hà Nội
Nhịp điệu cuồn cuộn, liên tục trong bức “Càn Khôn” (2014, 180x231cm) toát lên từ vô vàn chi tiết tưởng chừng như phức tạp, rắc rối của những đường nét xoắn quyện vào nhau, đuổi theo nhau bất tận hay những cú va chạm, đứt gãy và tan vỡ.
Tranh của ông bao giờ cũng thể hiện những chủ đề mang tính trừu tượng có tư tưởng khái quát, như: thời gian, không gian, sự sống… Ông tài tình vận dụng chất liệu sơn mài truyền thống để tạo nên những đường nét sống động, hút mắt người xem trong từng đường nét chuyển động, đan xen vào nhau với những mảng màu đỏ, vàng, đen và sự trầm ấm sâu thẳm đặc trưng của tranh sơn mài. Hoạ sĩ Huỳnh Văn Mười nhận xét về tranh của Trương Bé: “Đó là những tác phẩm trừu tượng phi hình thể với các nét chuyển động màu như hỗn loạn nhưng tất cả đều có sự sắp xếp bằng mảng màu đan xen nhau”.
Trương Bé – Ảo diệu. Sơn mài. 160x200cm.2012
Trong triển lãm cá nhân mang tên “Thiên – Địa – Nhân” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ông đã trưng bày trưng bày 22 bức tranh sơn mài trừu tượng tiêu biểu và hoành tráng, sau một quá trình kiên trì đi sâu nghiên cứu và khám phá sự biểu cảm của chất liệu sơn mài của họa sĩ trong nhiều năm. Tác phẩm của ông như đưa người xem xuyên không qua các chiều không gian, cảm nhận từng mảng sáng, tối, từng hạt bụi li ti, từng ngôi sao, thả mình trong dải ngân hà, như kết nối người xem với vũ trụ được khắc hoạ trong chính tâm tưởng của tác giả. Từng đường nét tạo nên một bức tranh có tổng thể luôn mạnh mẽ nhưng hài hòa giữa độ sâu của màu sắc cùng nét chuyển động rất linh hoạt, tinh tế.
Triển lãm “Nhịp điệu vũ trụ” của ông trong năm 2019 trưng bày các bức tranh có khổ từ 50cm x 50cm đến 244cm x 625cm với các chủ đề: Tiếng vọng từ vũ trụ, Cột bụi vũ trụ, Càn khôn, Vòng luân chuyển, Những đường cong huyền bí, Sinh khởi, Ảo diệu…50 tác phẩm thể hiện cái nhìn vừa thống nhất vừa độc lập của hoạ sĩ về vũ trụ với sự chuyển động của hàng vạn hạt bụi, vì tinh tú, các dải ngân hà và sự liên kết giữa vũ trụ và con người trong sự luân chuyển không ngừng ấy.
Dường như sự dịch chuyển được thể hiện khá dồi dào bằng nhiều đường cong, nhiều cấu trúc màu sắc đan xen, nhiều lớp lang của chất liệu, cùng tỉ lệ hạt cẩn trứng lớn nhỏ, lúc xoay tròn, xoắn ốc, lúc trải dài, tạo nhịp điệu, chuyển động cuồn cuộn, mạnh mẽ. Trong mắt người xem, Nhịp điệu vũ trụ nổi bật với tính chất “động” trong không gian, trong thời gian.
Các tác phẩm được hoạ sĩ Trương Bé thực hiện với nhiều kích thước đa dạng, nhưng phần nhiều là đều là những bức hoạ lớn, kỳ công, như nói lên tâm huyết và sự kiên định của ông trong việc theo đuổi trường phái hội hoạ trừu tượng.
Hoạ sĩ Trương Bé để lại kho tàng nghệ thuật chạm đến độ tuyệt mỹ, đưa người xem lại gần hơn để cảm nhận về thế giới hội hoạ trừu tượng của ông. Ông đã dành hơn nửa thập kỷ để sống cùng lý tưởng của mình. Trong những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn hết mình với hội hoạ, xuất hiện trong triển lãm “nhịp điệu vũ trụ” để cùng người xem cảm nhận vũ trụ qua con mắt của mình