Trong bộ tứ Đông Dương tại Pháp, Lê Thị Lựu là nữ họa sĩ duy nhất. Ở thập niên 1930, nữ họa sĩ ấy cũng được nhiều báo trong nước nhắc tới là nữ họa sĩ đầu tiên và tài năng của mỹ thuật Việt Nam.
Lê Thị Lựu sinh ngày 19 tháng 1 năm 1911 tại làng Thổ Khối tỉnh Bắc Ninh, mất năm 1988 tại Pháp. Năm 1927, bà đỗ vào khóa III trường Mỹ thuật Đông Dương và tốt nghiệp thủ khoa vào năm 1932. Trong năm này, báo Phong Hóa số 18 được phát hành có nhận định được cho là của nhà văn Thạch Lam bàn về Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông ngợi ca cái khéo hơn người đã làm vẻ vang cho phụ nữ nước nhà của Lê Thị Lựu và xếp bà đứng ngang hàng với hai họa sĩ đàn anh khóa trên là Lê Phổ và Mai Trung Thứ.
Lê Thị Lựu, tác phẩm “Hai đứa trẻ trong vườn” mực và bột màu trên lụa. Bức vẽ 60 x 46 cm. Giá Ước lượng 350.000 – 650.000 HKD, giá thực tế đạt 6.300.000 HKD tương đương khoảng 18,5 tỷ đồng. Địa điểm đấu giá Sotheby’s Hồng Kông Ngày bán 28 Tháng Tư, 2022.
Với chủ đề này, bức họa “Hai đứa trẻ trong vườn” chính là một minh họa xuất sắc cho kỹ thuật vẽ lụa Việt Nam nhưng với ngôn ngữ êm dịu ánh sáng mỹ học Tây phương. Bà dùng bảng màu tươi mát làm bật ánh sáng tự nhiên, có những vùng chuyển sắc độ sáng tối rất mượt mà nhưng không giống các họa sư Ấn tượng vẽ màu dầu, bà vẽ trên lụa.
Tác phẩm cũng đã được đưa ra đấu giá năm 2022 và đạt mức giá 6.300.000 HKD (tương đương 18.5 tỷ VNĐ). Vẽ về đề tài thiếu nhi hay thiếu nữ hoặc mẹ con, Lê Thị Lựu vẫn thường sử dụng bố cục tuyến hai nhân vật đặt cao thấp có nhịp điệu, nhưng tựu trung lại nét hồn nhiên và tiếng cười vẫn dung hòa vào không khí một cách tự nhiên và tạo hình có phần hơi cổ điển.
Một năm sau khi tốt nghiệp, bà được bổ nhiệm về dạy ở trường Bưởi, trường Trung học Bảo hộ (Collège du Protectorat) và trường Nữ sư phạm (hiện là trường Trưng Vương, Hà Nội). Năm 1934, bà kết duyên cùng kỹ sư canh nông Ngô Thế Tân và chuyển vào Sài Gòn sinh sống năm 1935. Tại đây, bà tham gia giảng dạy ở trường nữ sinh bản xứ hay còn gọi là trường Áo Tím (hiện là trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai), cộng tác đóng góp các bức vẽ ký họa cho báo Phụ Nữ Tân Văn, Đàn Bà Mới. Sau đó năm 1938, bà bị lao và phải trở về Hà Nội điều trị. Năm 1939 bà lại quay về dạy ở trường Bưởi, trường Nữ sư phạm và cùng chồng sang Pháp năm 1940.
Đặt chân tới Pháp đúng khoảng thời gian diễn ra chiến tranh thế giới, Lê Thị Lựu cùng chồng phải đi lánh nạn, mưu sinh và hiếm khi nào có thời gian tập trung vẽ nên phải tạm nhiều năm rời xa hội họa. Sau chừng mười lăm năm, bà mới tái hợp với nghệ thuật và chọn tranh lụa là chất liệu chính cho hội họa của mình.
Nhìn nhận về các sáng tác trải dài cùng năm tháng của bà, ở đó luôn có những luồng ánh sáng êm dịu, mộng mơ mà cũng hoài cổ cùng nét bút mềm mại, chủ đề đa dạng từ chân dung, phong cảnh, phụ nữ, thiếu nhi. Tranh bà để lại cho hậu thế không nhiều, lưu lạc ở nhiều nơi và đa phần đều là tranh lụa hoặc sơn dầu.
Đúc kết lại, hội họa của Lê Thị Lựu mang một thứ ánh sáng mỹ học của phương Tây nhưng vẫn ấp ôm hồn Việt. Trải qua nhiều năm sáng tác, các tác phẩm của bà tuy không nhiều nhưng ghi dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng bởi những chủ đề rung động lòng người và kỹ thuật xử lý chất liệu rất riêng. Do vậy, ngoài bộ sưu tập do gia đình bà trao tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay các sáng tác của Lê Thị Lựu cũng đang được nhiều nhà sưu tập có gu đưa về cố hương và đưa vào nhiều bộ sưu tập quan trọng.
Lê Quang