Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam cận hiện đại, Lê Huy Miến, Thang Trần Phềnh, Nam Sơn là những nhân vật tiên phong. Họ đã đạt danh tiếng từ trước khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời. Do thời thế, nhiều phần cuộc đời và sự nghiệp của họ chưa được thông tin đầy đủ đến công chúng. Nhưng nay, trong những điều kiện nghiên cứu cởi mở và thuận tiện, hy vọng rằng sẽ tiếp tục có nhiều hơn nữa những bài viết, cuốn sách đầy đặn, chuẩn mực, đa chiều thông tin về họ và về những tài danh khác của mỹ thuật Việt Nam, giúp cho công chúng và các thế hệ nghệ sĩ tiếp sau nhận diện rõ ràng chân giá trị của nghệ thuật trong dòng chảy vô chừng của lịch sử dân tộc.
Từ thuở bé, Thang Trần Phềnh đã có năng khiếu về vẽ. Khi học Trường Bưởi (Lycée du Protectorat), ông luôn đứng nhất môn hội họa. Không có thầy dạy, ông tự mày mò, nhìn thấy vật gì, hoặc người, hoặc cảnh đẹp, đều vẽ lại. Gia cảnh khó khăn, có ý thức tự lập rất sớm, Thang Trần Phềnh đã nảy ra ý định vẽ tranh bày bán trong hiệu buôn của cha mình. Những sáng tác mỹ thuật của ông từ rất sớm đã viễn du nơi xứ người và làm rạng danh nền văn hóa nước nhà… Cuộc đời của ông là một thế giới bí hiểm đầy khám phá thú vị, khám phá nó giúp bạn đọc có cái nhìn chung về thời kỳ đầu của nền hội họa Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Chân dung họa sĩ Thang Trần Phềnh thời trẻ.
Thang Trần Phềnh thuộc 11 thí sinh trúng tuyển (tổng số 88 thí sinh dự tuyển) vào khóa 2 của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1931, ông tốt nghiệp nhưng lại nghiêng nhiều về trang trí sân khấu tuồng cổ, ít hoạt động về mỹ thuật. “Trần Phềnh lập gánh hát Đồng Ấu, thu nhận các tài năng trẻ khoảng 10 tuổi để dạy hát dạy múa và đi hát ở Hà Nội, có khi đi các tỉnh quanh trong xứ Bắc kỳ thời thuộc Pháp. Ông vừa vẽ phông cảnh, vừa dạy các nghệ sĩ bé nhỏ hát các giọng Hồ Quảng, tích hát cải lương”, tác giả Ngô Kim Khôi dẫn theo tài liệu gia đình. Sau đó, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, tản cư về Nhã Nam – Yên Thế (Bắc Giang), làm việc tại Sở Thông tin – Tuyên truyền Liên khu 10. Năm 1954, ông đưa gia đình trở về Hà Nội, cộng tác với rạp hát Chuông Vàng (Kim Phụng) cho đến năm 1963. Thời gian này, ông chuyên vẽ nghệ thuật sân khấu và vẽ phông rạp hát.
Thang Trần Phềnh là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1957. Ông sáng tác trên nhiều chất liệu, từ giấy, lụa, vải bố cho đến bút sắt, mực tàu, thuốc nước, bột màu, phấn tiên, sơn dầu… Tác phẩm hội họa của ông có thể nhiều hơn 100 bức, nhưng ngoài những bức thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và các bộ sưu tập tư nhân, gia đình không còn giữ lại bao nhiêu.
Thang Trần Phềnh năm 15 tuổi đã vẽ bức tranh đầu tiên trong đời – một bức tranh thuốc nước mang tên Chùa Trấn Quốc trong buổi hoàng hôn, được bày ở Đấu xảo Mỹ thuật do Pháp năm nào cũng mở vào cuối năm. Ngày khai mạc bức tranh bán được ngay, “người mua được là ông Georges Bois, hỏi đến tận nhà đặt mua thêm hai bức nữa, yêu cầu vẽ đúng như bức ở Đấu xảo, khi bế mạc lấy về làm mẫu”. Các bức tranh của Thang Trần Phềnh ở thời kỳ mỹ thuật cận hiện đại (trước 1925) còn đến ngày nay hầu hết cũng đều là tranh thuốc nước.
Từng là “một tay vẽ giỏi ở Hà Nội”, từng được Tô Ngọc Vân mệnh danh là “ông Trời” của hội họa nhưng Thang Trần Phềnh đi thi lại không trúng tuyển vào khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau này, nhà nghiên cứu nghệ thuật Ngô Kim Khôi (cháu ngoại họa sĩ Nam Sơn – người cùng thời với Thang Trần Phềnh) lí giải “có lẽ vì cách nhìn mỹ thuật của ông khác với cách nhìn hàn lâm của người Pháp lúc bấy giờ”. Dẫu vậy thì với khiếu hội họa bẩm sinh, ông thi đậu vào khóa thứ 2 và cùng học với Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm, An Sơn, Đỗ Đức Thuận…
Cuốn tài liệu Tl.35/hđ có ghi lại dày đặc các kỷ niệm gắn liền với sự phát triển của công việc trang trí mỹ thuật sân khấu cùng sự ra đời và phát triển của các rạp hát ở Hà Nội giai đoạn đầu TK XX, cho thấy tự trong tâm trí, họa sĩ Thang Trần Phềnh luôn hướng về mỹ thuật sân khấu. Ngoài ra, cuốn tài liệu cũng cho thấy rõ vai trò của ông trong việc thể nghiệm, cách tân nghệ thuật hát kịch ở rạp Sán Nhiên Đài, như việc ông là người dịch một số bài đàn hát Trung Quốc cũ ra tiếng Việt, dạy đàn, dạy múa, dạy hát, thiết kế phục trang… Sau ba, bốn mươi năm, Thang Trần Phềnh dường như vẫn nhớ như in từng sự kiện liên quan tới các rạp Sán Nhiên Đài, Quảng Lạc, Năm Chăn, Thông Sáng… vẫn nhớ tên của các em trai, em gái trong Ban hát Mỹ thuật Đồng Ấu Trần Phềnh.
Cuốn tài liệu cũng cung cấp nhiều thông tin quan trọng về hoạt động mỹ thuật thời kỳ đầu của ông. Theo đó, năm 1911, bức tranh Chùa Trấn Quốc trong buổi hoàng hôn (7), kích thước 30x60cm, vẽ bằng thuốc nước trên giấy của ông được gửi tham dự đấu xảo Hà Nội và được bán cho một vị khách tên Georges Bois. Ông khách này còn hỏi đến tận nhà riêng, đặt mua thêm hai bức khác. Kể từ đó, Thang Trần Phềnh được tiếng vẽ tranh đẹp, rất nhiều người tìm đến mua, phần nhiều là người Pháp, người Đức ở Sở dầu Cầu Đất, hiệu Ogliastro bán vải và phẩm nhuộm, một số nhà binh Pháp.
Cũng chính nhờ mối quan hệ với ông Georges Bois mà năm 1913, Thang Trần Phềnh được vào làm trong Sở Máy đèn Bờ Hồ. Tuy nhiên, vì công việc không thích hợp nên Thang Trần Phềnh chỉ làm một năm rồi nghỉ. Năm 1914, ông vào làm ký họa ở Sở Lục lộ (tương tự như Sở Giao thông ngày nay). Đây cũng là cơ duyên đưa Thang Trần Phềnh đến với việc trình bày phông, cảnh cho rạp Sán Nhiên Đài. Cuối năm 1914, rạp Sán Nhiên Đài ra đời. Ông Trương Ngọc Minh, một thành viên Ban quản trị Sở Lục lộ, hội viên hội Sán Nhiên Đài, nhận thấy ông Phềnh biết vẽ, bèn mời ông vào hội để vẽ phông cảnh. Nhưng trước đó, từ năm 1912, ông Phềnh đã tự tập vẽ tranh theo phong cách phông trang trí sân khấu, bằng sơn dầu trên vải dày. Số là sau khi tận mắt xem đoàn nghệ sĩ Trung Quốc sang diễn tân kịch ở Quảng Đông hội quán, phố Hàng Buồm, Thang Trần Phềnh mê mẩn một trong số các bức họa trang trí trên sân khấu đó. Ông mơ tưởng ngày đêm, mất ăn mất ngủ, nghĩ cách vẽ theo. Ông nhớ lại: “Từ đó trở đi, tìm thầy, tìm bạn hỏi mượn hết tranh này, tranh nọ, mua sơn, mua thuốc, mua vải dày (toile nationale) can hai khổ vải thành bức phông con, rộng 2m40x3m00, để vẽ. Vẽ một con đường đi, một bên có nhà lá, một bên có rào cây thấp, gần có mấy dãy vườn cây thấp, có cây gần, có cây to xa xa, có viễn cảnh” (8). Bức phông ấy sau cho rạp Sán Nhiên Đài mượn treo khi rạp đóng ở phố Tạ Hiện.
Dù mày mò, học vẽ với chất liệu sơn dầu từ năm 1912 nhưng bắt đầu từ 1914, Thang Trần Phềnh mới thực sự có điều kiện thể nghiệm nhiều bức vẽ phông cảnh. Qua lời kể của ông, ta biết thêm về các họa sĩ vẽ phông cảnh thời kỳ đó, như các ông Nguyễn Đức Thục (dạy vẽ, dạy nặn ở trường Bách nghệ), Nguyễn Đình Chi (làm ở Sở Địa dư), một người Pháp lai tên là Lagisquet làm kiến trúc sư ở Sở Đốc lý, các ông Đỗ Văn Y, Nguyễn Ngọc Oánh, làm ký vẽ ở ngành kiến trúc nhà cửa thuộc Sở Lục lộ, cũng tham gia hỗ trợ Lagisquet vẽ phông cảnh.
Từ việc tự học vẽ phông cảnh, Thang Trần Phềnh đã không chỉ thuần thục mà còn sáng tạo ra lối vẽ có thể ngắm nhìn được từ cả bốn phía, mà ông gọi là “tứ cố”, như ông tả lại bức phông cảnh lấy nguyên mẫu từ chùa Cầu Đông, phố Hàng Đường: “…vẽ tại chỗ, vẽ đúng thực. Chùa vẽ trông ở giữa, nhìn sang hai bên hành lang có hai hàng Phật. Chính giữa có tam bảo, hai bên ngoài có hai hàng cột chùa” (9). Bức vẽ chùa Cầu Đông được tán thưởng vì cách vẽ như thực, gây ảo giác về sự chuyển động của cả không gian nền cảnh theo diễn biến của nhân vật trên sân khấu. Những trải nghiệm và tiếng tăm từ tài vẽ phông cảnh sân khấu ở Hà Nội đã đem tới cho ông nhiều công việc thú vị khác. Từ năm 1916 trở đi, trong khoảng 9-10 năm, ông vẽ cho nhiều nơi, như những phông cảnh cho Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà hát lớn Hải Phòng, nhà Nhạc hội Bờ Hồ, rồi Khách sạn Metropole, rạp chiếu bóng Cinéma Tonkinois, phố Hàng Quạt, rạp chiếu bóng Palace (nay là rạp Công Nhân), phố Tràng Tiền…
Có thể nói, họa sĩ Thang Trần Phềnh, tuy tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, vốn theo lẽ thường thời đó là sẽ thành một họa sĩ sáng tác hoặc một giáo sư mỹ thuật, nhưng cuộc đời ông gắn liền với sự nghiệp phát triển mỹ thuật sân khấu. Ngay từ trước khi đi học mỹ thuật một cách bài bản ở trường, ông đã say mê tự học vẽ phông cảnh. Đặc biệt, sau khi ra trường, ông cũng ít tham gia sáng tác tranh. Ông chú tâm vào công việc sân khấu. Mỹ thuật sân khấu là duyên nợ theo ông cho tới cuối đời. Tại buổi ra mắt cuốn sách Thang Trần Phềnh (1895 – 1973), nhà nghiên cứu mỹ thuật sân khấu Đoàn Thị Tình đã cung cấp một thông tin quý: Viện Sân khấu Điện ảnh, thuộc Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội hiện lưu giữ tập Ký họa sân khấu của họa sĩ Thang Trần Phềnh, vẽ trong giai đoạn 1947-1954…
Ngay từ tiêu đề tên sách và cách chia tiểu mục nội dung, tác giả cuốn sách Thang Trần Phềnh (1895 – 1973) đã không giấu kỳ vọng giới thiệu về sự nghiệp của một họa sĩ. Song thực ra, phần sự nghiệp lâu dài nhất và nổi bật nhất của ông gắn liền với nửa thế kỷ mỹ thuật sân khấu Việt Nam lại không/chưa được đề cập đến một cách tương ứng. Các bức tranh sơn dầu của Thang Trần Phềnh được công chúng tán thưởng, đặc biệt là những người Pháp yêu thích hương vị phương xa. Tuy nhiên, thông qua cuốn sách này, việc đưa đẩy tên tuổi của ông đi quá xa so với thực tiễn đương thời, như thể ông là một đại danh họa với những tác phẩm mỹ thuật “viễn du xứ người và làm rạng danh nền văn hóa nước nhà”, cũng dễ gây ra cái nhìn thiên lệch của hậu thế về ông.
Thang Trần Phềnh ở hàng đứng thứ nhất, thứ 4 từ phải sang.
Ở thời kỳ khởi động của nền mỹ thuật Việt Nam để chuẩn bị cho bước chuyển từ truyền thống sang hiện đại chỉ có ba họa sĩ: Lê Văn Miến, Thang Trần Phềnh và Nguyễn Nam Sơn. Họ chính là những người đầu tiên của một sơ kỳ hội họa trước khi hình thành và phát triển một nền hội họa có tác giả, mang tính chất quốc gia đầu tiên ở nước ta. Thang Trần Phềnh cũng được coi là họa sĩ đầu tiên vẽ tranh bằng chất liệu sơn dầu châu Âu, và sớm giành được sự công nhận rộng rãi, thậm chí là sự công nhận của cả giới trí thức, giới tinh hoa đương thời.
Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông luôn song hành giữa hai mảng trên cùng một lĩnh vực mỹ thuật. Một là, hội họa – sáng tác vẽ tranh. Hai là, sân khấu – thiết kế trang trí bối cảnh vở diễn. Riêng với sân khấu, ông không chỉ là người họa sĩ mỹ thuật, có thời gian dài còn kiêm cả tác giả, đạo diễn, nhà tổ chức quản lý, luôn tận tụy, dồn cả tâm lực và trí tuệ để sáng tạo cho phong cách thẩm mỹ của dân tộc.
Tương truyền, có một thời, khán giả rất thích tới nhà hát sớm hơn giờ khai diễn để thưởng thức vẻ đẹp của những phông cảnh trang trí do ông Trần Phềnh vẽ. Ông cũng được coi là người đặt viên gạch đầu tiên, mở màn đưa hội họa vào trang trí sân khấu ở miền Bắc, giai đoạn cận hiện đại của Việt Nam.
Gần 1,5 triệu đô cho hai tác phẩm của họa sĩ Thang Trần Phềnh
Trong phiên Indochine – Chapitre 14 của Lynda Trouvé, Trung tâm đấu giá Drouot ở Paris – Pháp, tác phẩm “Chơi bài” đã được bán với giá 600.000 euro (sau phí là 780.000 euro, xấp xỉ 18,5 tỉ đồng) và tác phẩm “Xem bói” là 550.00 euro (sau phí là 715.000 euro, xấp xỉ 17 tỉ đồng). Hai bức họa này ban đầu được ước tính bán ra với mức giá từ 30.000 đến 50.000 euro (hơn 730 triệu đến khoảng 1,2 tỉ đồng).
Giới sưu tập thích thú và nhận định đây là các bức tranh lụa hiếm hoi của cố họa sĩ, mang giá trị cao.
Nhà đấu giá Lynda Trouvé thông tin đây là hai bức tranh lụa từng thuộc bộ sưu tập của phóng viên Léopold de Stabenrath, từng ở Hà Nội giai đoạn 1975-1997. Do sự tác động của thời gian nên tranh bị nấm mốc, hao mòn nhẹ.
Bức “Xem bói” ra đời khoảng năm 1931-1932
Tác phấm “Xem bói” vẽ ba người đang ngồi quây lại bên chiếc bục gỗ, một chiếc dĩa trống và hương đang cháy nghi ngút. Người đàn ông cầm dĩa phỏng theo phong thái trông như đang hành nghề thầy bói. Phần chữ Hán góc trên cùng bên trái được dịch là: Phụ nữ lai bốc vấn; Cốc (khán?) tử bái càn khôn / 婦女來卜問 – 谷(看?)子拜乾坤, (Phụ nữ xem vận mệnh/ Thầy bói lạy càn khôn). Triện: Đạt Siêu, là “tự” của Thang Trần Phềnh.
Bức “Chơi bài” sáng tác khoảng năm 1931-1932
“Chơi bài” có phần chữ Nôm (góc trên cùng tay trái) đã được nhà nghiên cứu Châu Hải Đường cho biết từ hôm Lynda Trouvé vừa đăng bán, đọc là: “Ngày xuân thong thả đánh bài chơi / Ai được ai thua cũng chớ cười”. Tổng thể bức tranh là nhóm 5 người trong trang phục truyền thống đang chơi bài.
Tranh vẽ “Phạm Ngũ Lão” của ông Thang Trần Phềnh, hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Sau này, so với những họa sĩ cùng thời như Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm… Thang Trần Phềnh gần như bị người đời lãng quên, dù ông đã sống một cuộc đời thăng hoa với mỹ thuật. Tác phẩm ông để lại không nhiều, một phần vì dường như ông chỉ vẽ tranh trong những khoảng thời gian không bận việc với sân khấu, phần vì nhiều tác phẩm từ sớm đã viễn du nơi xứ người: “Tụi Mỹ ở nhà Dầu ở Cầu Đất, tụi Đức Louis Oqliastro ở Hàng Trống hàng năm đến mua tranh để mang về nước. Anh Koch ở Sở Đốc lý đại diện cho Thành phố Hà Nội mua tranh để mang đấu xảo ở Mạc – xây (Marseille)”.
Về các bức tranh của Thang Trần Phềnh, nhà nghiên cứu mỹ thuật sân khấu, phó giáo sư, hoạ sĩ Đoàn Thị Tình bình phẩm, những tác phẩm của ông đa phần không hoành tráng to lớn về hình thức kích cỡ, màu sắc không rực rỡ choáng ngợp. Nhưng nội dung hàm chứa sâu rộng về cả không gian và thời gian. Với những gam màu trầm ấm, lặng lẽ mà nhẹ nhàng tươi sáng, gợi mỹ cảm bởi nét duyên dáng, tỉ mỉ, chân thực, càng xem càng thu hút, gần gũi, mang lại những rung động về cảm xúc chất hồn quê, sắc tộc Việt Nam.
(Nguồn:Tổng Hợp)