Họa sĩ Trần Khánh Chương – Cây đại thụ của làng hội họa Việt

Nội dung chính

Vậy là đã sắp tới kỉ niệm 3 năm ngày mất của cố họa sĩ Trần Khánh Chương, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cây đại thụ của làng hội họa Việt (19/04/2020 – 19/04/2023). Cuộc đời, sự nghiệp của ông là một câu chuyện nhiệt huyết, huy hoàng và đáng ngưỡng mộ. Đồng thời cũng góp phần tạo sức ảnh hưởng lớn tới rất nhiều thế hệ họa sĩ sau này nói riêng và người làm nghệ thuật nói chung.

 

Họa sĩ Trần Khánh Chương sinh ngày 14/8/1943 tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông bắt đầu bén duyên và “chuyên tâm” với mỹ thuật từ năm 1959 khi theo học trung cấp khoa Gốm, Trường Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam, sau đó tốt nghiệp (năm 1963) rồi làm thực tập sinh về nghệ thuật sứ tại Trung Quốc (1968-1970), theo học và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội khóa Hội Họa (năm 1975).


Cố họa sĩ Trần Khánh Chương. Ảnh: ST

Sau ngày ra trường năm 1963, họa sĩ Trần Khánh Chương về công tác tại Phòng Kỹ thuật, Nhà máy sứ Hải Dương. Đến năm 1975, ông chuyển công tác phục vụ trong quân đội tại Cục Quản lý giáo dục Bộ Tổng tham mưu (1975- 1977). Từ năm 1984 đến lúc qua đời, họa sĩ Trần Khánh Chương đã đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong ngành mỹ thuật. Ông từng là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam 4 khóa liền, từ 1999 đến 2019; Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam khóa VI và khóa VII (2000 – 2010). Họa sĩ Trần Khánh Chương cũng từng là Ủy viên Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương khóa IX và X, Đại biểu Quốc hội khóa XI (2002- 2007).

Không chỉ đơn giản vì tài năng hay những tác phẩm xuất sắc trong sự nghiệp mỹ thuật của mình, mà họa sĩ Trần Khánh Chương còn được mọi người kính trọng rất nhiều vì cách đối nhân xử thế, sự thông tuệ và khéo léo. Khi còn đảm đương vị trí Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông luôn thẳng thắn trước những vấn đề “nóng” của mỹ thuật nước nhà. Có lẽ, từng hoạt động trong môi trường sản xuất công nghiệp và quân đội nên tác phong làm việc của họa sĩ Trần Khánh Chương rất cởi mở, hoạt bát, luôn luôn có nguyên tắc, đâu ra đấy, cái gì nói được là được, cái gì không được là dứt khoát không. Ông được mọi người xung quanh nhận xét “là con người của công việc, đúng hẹn và thông tuệ” qua nhiều mẩu chuyện kể lại. Vào những ngày vài tháng trước khi cố họa sĩ qua đời, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương lúc bấy giờ, ông Võ Văn Thưởng đã có dịp đã đến thăm và chúc Tết họa sĩ, dành nhiều thời gian nghe họa sĩ giới thiệu các tác phẩm cá nhân cũng như chia sẻ về nghề, đồng thời cũng đưa ra nhận xét: Trong sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà nói chung, của mỹ thuật nói riêng thì họa sĩ Trần Khánh Chương có đóng góp rất to lớn trên cả 2 phương diện – người làm nghề hoạ sĩ, người làm hoạt động của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Bằng chứng cho lời nhận xét này của ông Thưởng là “bộ sưu tập huy chương, thành tích” đồ sộ của họa sĩ Trần Khánh Chương sau nhiều năm hoạt động và cống hiến miệt mài không ngừng nghỉ:

  • Huân chương Lao động hạng Nhất
  • Huân chương kháng chiến chống Mĩ cứu nước hạng Ba
  • Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam
  • Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam
  • Huy chương Vì sự nghiệp Văn hoá Thông tin
  • Huy chương Vì thế hệ trẻ
  • Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng
  • Giải thưởng chính thức Triển lãm Đồ hoạ Quốc tế Intergrafik Berlin, Đức, năm 1984
  • Huy chương Vàng Triển lãm Mĩ thuật Thủ công Toàn quốc lần thứ II năm 1987
  • Giải Nhì Giải thưởng Hội Mĩ thuật Việt Nam năm 2002
  • Giải thưởng Triển lãm Mĩ thuật Thủ đô: Giải A năm 1987, giải B năm 1976, năm 1984 và năm 1986.
  • Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007 cho bộ tác phẩm tranh khắc thạch cao.

Bên cạnh những cống hiến to lớn trong vai trò quản lý, về sự nghiệp sáng tác trong suốt hành trình sáng tạo của mình, họa sĩ Trần Khánh Chương cũng đã để lại cho mỹ thuật Việt Nam một bộ sưu tập đồ sộ. Trong bộ sưu tập đó có thể kể đến bức tranh “Đường lên Điện Biên”- sơn dầu, sáng tác năm 2005. Tác phẩm lấy cảm hứng từ những chuyến về chiến trường xưa, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông từng chia sẻ, đó là bức tranh đầu tiên ông vẽ về Điện Biên nên cảm xúc rất mãnh liệt. “Hồi bé, ở trong Liên khu 4, tôi đã được tiếp xúc với những vũ khí và bộ đội nên trong ký ức của tôi, kháng chiến là một điều rất hiện hữu, không hề xa xôi, lạ lẫm. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi lại được tiếp xúc với những chiến sĩ Điện Biên rất giản dị trong bộ trang phục áo xanh. Trong mắt tôi hồi ấy, hình ảnh bộ đội nên thơ vô cùng”- ông nói. Ngoài ra, có thể đến các tác phẩm “Màu xanh trên vùng đất đỏ”, “Ngày vui giải phóng”, “Những cánh diều”, “Bên cầu Thê Húc”, “Nhịp thời gian”, “Trưa Cửa Tùng”… Ông còn là tác giả của hai cuốn sách: “Gốm Việt Nam từ đất nung đến sứ” và “Gốm Việt Nam”.

 


Họa sĩ Trần Khánh Chương giới thiệu bức “Đường lên Điện Biên” tại một cuộc triển lãm. Ảnh: ST

 


“Nhịp thời gian” (sơn mài, năm 2005)

 

Không chỉ để lại những tác phẩm để đời, theo nhiều họa sĩ “lão làng”, ông còn là người có kiến thức sâu rộng về vốn tạo hình cổ dân tộc. Họa sĩ Trần Khánh Chương thành công trước hết ở loạt tranh thể hiện các mô típ dân gian, qua kỹ thuật khắc thạch cao in trên giấy hoa tiên, một loại giấy vốn được xem là “hàng mã” truyền thống, làm dậy lên một bảng màu phong vị dân tộc. Không những vậy, nhằm tiếp cận nhiều đề tài và tìm tự do hơn cho bút pháp, ông cũng đã từng thử thách qua nhiều chất liệu khác nhau, đa dạng và phong phú. Ông tham gia triển lãm mỹ thuật trong nước từ năm 1961 đến mãi sau này với đầy đủ các tác phẩm thuộc mọi chất liệu: bột màu, gốm, lụa, sơn dầu, khắc gỗ, khắc thạch cao, giấy dó… Nhưng với tempera trên nền lụa, ông mới thực sự tạo ra một hình thái riêng và thoát khỏi mọi sự ràng buộc truyền thống hay cổ điển, tạo cho bản thân một phong cách hội họa hoàn toàn mới về hình sắc.


“Buổi sáng trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội”, 2015. Acrylic.


“Ngày vui giải phóng” – khắc thạch cao, 1986

 

Nghệ thuật với ông là vậy, không bị gò bó. Thế nhưng, cái “không bị gò bó” của ông không phải là sự phá cách cuồng dã hay phóng túng, mà là cái tìm tòi đổi mới, cải tiến từng ngày như một công trình nghiên cứu. Ở đó, ta thấy trong ông cái họa hồn mạnh mẽ và kiên nghị như những “tể tướng họa sĩ” ngày xưa (Diêm Lập Bản, Hàn Hoảng…), hoặc là “chất thép dịu dàng” như trong thơ Tố Hữu. Lạc vào tranh ông, ta như lạc vào một vùng đất khác, tuy không hẳn thơ mộng như thế giới cổ tích, nhưng lại là mênh mông, rộng lớn, đa dạng…như một vũ trụ thu nhỏ.

Vẫn luôn được xem như là một cây đại thụ trong giới mĩ thuật Việt Nam, tài năng và cống hiến của ông là điều không phải bàn cãi. Để rồi hôm nay, vào những ngày mưa phùn lất phất đầu tháng 4, bất chợt ta lại nhớ về sự ra đi của ông như là một trong những mất mát khó bù đắp nhất của làng hội họa nước nhà.

Lãng