Họa sĩ Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908 tại xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội. Ông học khoa hội họa trường Mỹ Thuật Đông Dương khóa IV (1928-1933), vì lý do nào đó ông đã nghỉ học rồi tiếp tục theo học và tốt nghiệp khóa VII (1931-1936) cùng khóa với họa sĩ Trần Văn Cẩn. Ông là một trong Tứ kiệt của hội họa Việt Nam: “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn”.
Năm 1932, khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mở xuởng nghiên cứu sơn ta. Các sinh viên Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Trần Quang Chân, Nguyễn Khang, Phạm Hậu, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung… đã cùng nghệ nhân sơn ta Đinh Văn Thành (1898 – 1977) thực hiện các tác phẩm thực nghiệm.
Tháng 11/1938, triển lãm những sáng tác về sơn ta đã được Trường Cao đẳng Mỹ thuật tổ chức. Cũng trong năm 1938, Hiệp hội Nghệ sĩ Đông Dương (La Cooperative des Artistes Indochinois) ra đời, họa sĩ Nguyễn Gia Trí tham gia tổ chức này cùng với Tô Ngọc Vân, Hoàng Tích Chù, Phạm Hậu, Lê Quốc Lộc nhằm phát triển nghệ thuật tranh sơn mài.
Năm 1939, Nguyễn Gia Trí đã có triển lãm cá nhân tranh sơn mài đầu tiên, gây bất ngờ cho giới mỹ thuật Hà Nội và công chúng khi trưng bày các tác phẩm sơn mài được sáng tác theo kỹ thuật riêng. Sau đó, ông tiếp tục giới thiệu nhiều tác phẩm trong các triển lãm riêng và chung. Thời kỳ này, họa sĩ đã có nhiều tác phẩm sơn mài nổi tiếng như: “Bên đầm sen” (1938), “Vườn xuân và thiếu nữ” (1939), Bình phong tám tấm, hai mặt tranh “Trong vườn” và “Dọc mùng” (1938), “Chùa Thầy” (1939 – 1940)…
Khoảng năm 1944 – 1945, họa sĩ mở xưởng sơn mài ở làng Bưởi. Với tài năng và tình yêu nghệ thuật, sự kiên trì bền bỉ, Nguyễn Gia Trí đã đưa nghệ thuật sơn mài đạt tới đỉnh cao. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông đều làm nghệ thuật với một tinh thần sáng tạo và đặc biệt tâm huyết vào từng tác phẩm mà ông đã sáng tác.
Từ những năm 1960 – 1970, tác phẩm của ông chủ yếu chuyển sang hướng trừu tượng nhưng về cuối cuộc đời ông lại trở về với phong cách mộng mơ, lãng mạn của mình. Những bức tranh thường tái hiện hình ảnh các cô gái vui đùa, chạy nhảy với các điểm màu tô điểm tạo nên nét độc đáo, ấn tượng.
Các tác phẩm nổi bật của ông như: Vườn xuân Trung Nam Bắc, Thiếu nữ bên hoa phù dung, Bên đầm sen, Trong vườn (8 tấm), Cảnh thôn, Thiếu nữ bên Hồ Gươm, Lễ hội đầu năm, Những thiếu nữ trong vườn.
Theo tâm nguyện cuối đời của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, đã giữ lại 3 bức sơn mài khổ lớn là “Hoài niệm xứ Bắc”, “Trừu tượng”, “Múa dưới trăng” (sáng tác giai đoạn 1968 – 1969) được trưng bày tại Thư viện quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Các tác phẩm của ông được nhận định như quốc bảo và không được phép rời khỏi Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí, tác phẩm “Làng quê giữa rặng chuối”. Sơn mài trên bảng gỗ, vàng và đa sắc sáu tấm. Sáng tác năm 1937. Kích thước tổng 100 x 195 cm. Giá ước lượng 180.000 – 220.000 EUR. “Những cô thôn nữ giữa rừng chuối”. Giá bao gồm thuế phí là 1 triệu 50 nghìn EUR. Địa điểm đấu giá Drouot Pháp. Ngày 02 tháng 12 năm 2022.
Bức tranh khắc họa nổi bật bởi những lá chuối, các tác cây, được sơn son thếp vàng lộng lẫy trên nền đen. Những ngôi nhà tranh, nhóm phụ nữ mặc áo tứ thân màu vàng đỏ đang mang quang gánh đội nón lá và thếp khăn mỏ quạ, một nhóm đang đứng mua bán nhân vật được họa sĩ tô điểm màu nâu trầm. Những con bò cũng được đưa vào trong hoạt cảnh tạo cho bức tranh rất thơ mộng miêu tả một quang cảnh ngôi làng quê thời bấy giờ mộc mạc và rất đẹp.
Ông mất tại TP HCM năm 1993. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2012. Họa sĩ có hai tác phẩm được công nhận là bảo vật quốc gia: “Vườn xuân Trung Nam Bắc” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM và “Bình phong” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Minh Chiến