Cùng “Rồng” đi từ truyền thống tới hiện đại

Nội dung chính

Chào đón năm mới Giáp Thìn 2024, Nhóm nghệ sĩ G39 cùng nhau tổ chức triển lãm thường niên mừng năm mới với tên gọi “Rồng”. Triển lãm mang đến 90 tác phẩm đa dạng chất liệu từ sơn dầu, bột mầu, sơn mài, giấy dó, acrylic đến gốm Hương Canh, gốm Phù Lãng…

Triển lãm có sự tham gia của 20 hoạ sĩ: Nguyễn Hồng Phương, Hoàng Phương Liên, Bùi Thanh Thủy, Phương Bình, Bình Nhi, Vương Linh, Lê Thư Hương, Nguyễn Minh, Trần Hồng Đức, Nguyễn Minh Hiếu, Việt Anh, Lê Minh Trí, Nguyễn Hồng Quang, Vũ Hữu Nhung, Nguyễn Thanh Quang, Nguyễn Quốc Thắng, Lâm Đức Mạnh, Tào Linh, Lê Thiết Cương, Hồng Việt Dũng.

Cùng “Rồng” đi từ truyền thống tới hiện đại - 1

Chiều ngày 24 tháng 1 năm 2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra Lễ khai mạc triển lãm “Rồng”.

 

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: “Thật là lạ trong thập nhị địa chi tương ứng với 12 con vật biểu tượng thì có mỗi rồng là con không có ngoài đời thực. Thế nhưng rồng lại xuất hiện nhiều nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt suốt từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIX”.

Theo họa sĩ, Rồng là con vật cùng một lúc mang hai biểu tượng của vương quyền trong thời phong kiến và biểu tượng tín ngưỡng vì rồng nằm trong bộ tứ Long, Ly, Quy, Phượng. Rồng cũng là con vật mang biểu tượng của 1 trong 12 con giáp (tương đương, dân chủ, bình đẳng với lợn gà dê bò…), là tháng thổ đầu tiên trong 4 thổ Thìn, Tuất, Sửu, Mùi của năm và đóng vai trò chuyển êm từ xuân (mộc) sang hè (hỏa).

Cùng “Rồng” đi từ truyền thống tới hiện đại - 2

Không gian triển lãm.

 

1000 năm trải qua các thời kỳ (từ Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Lê Mạt, Nguyễn) hình tượng rồng đã có nhiều thay đổi, từ tạo hình, bố cục, chất liệu. Dễ nhận thấy những nét chính như sau: Rồng Lý mượt mà, tinh tế, uốn lượn mềm mại. Rồng Trần nhìn bề mặt thì giống Lý nhưng tinh thần thì khác, thô và khỏe hơn. Rồng Lê sơ chú trọng chi tiết, cụ thể, ít chất trang trí cách điệu. Rồng Mạc bỏ hẳn lối uốn khúc hình sin của Lý Trần tuy ít uốn lượn nhưng vẫn mềm mại, gây cảm giác mộc mạc giản dị. Rồng Lê Trung Hưng và Lê Mạt có hai đột phá là phần thân ở đoạn giữa có thêm một nhịp võng xuống tạo thành hình yên ngựa và thứ hai là hình mây lửa ở đuôi, bờm hoặc kết hợp rồng và những đám mây lửa hòa cùng nhau. Rồng Nguyễn là vẻ đẹp của cầu kỳ, kỹ lưỡng, chau chuốt.

Tiếp nối truyền thống và kế thừa di sản Rồng trong mỹ thuật của cha ông ta thời xưa, những nghệ sĩ hôm nay đã tiếp tục sáng tạo, cùng rồng đi từ truyền thống sang hiện đại.

Cùng “Rồng” đi từ truyền thống tới hiện đại - 3

Công chúng có dịp được chiêm ngưỡng những tác phẩm hội hoạ độc đáo về rồng.

 

Đến với triển lãm, công chúng có dịp được chiêm ngưỡng những tác phẩm hội hoạ độc đáo được sáng tạo dựa trên cảm hứng về rồng như: “Rước rồng”, “Rồng ẩn”, “Lễ hội múa lân”, “Tiên rồng”, “Xuân Long”, “Giáp Thìn”, “Cùng chơi với rồng”,…

Cùng “Rồng” đi từ truyền thống tới hiện đại - 4

Rước rồng | Lê Thiết Cương

 

Cùng “Rồng” đi từ truyền thống tới hiện đại - 5

Rồng thiền | Vương Linh

 

Cùng “Rồng” đi từ truyền thống tới hiện đại - 6

Cùng chơi với Rồng | Nguyễn Quốc Thắng.

 

Cùng “Rồng” đi từ truyền thống tới hiện đại - 7

Lễ Hội múa lân | Trần Hồng Đức

 

Cùng “Rồng” đi từ truyền thống tới hiện đại - 8

Xuân Long | Lê Thư Hương

 

Cùng “Rồng” đi từ truyền thống tới hiện đại - 9

Bộ tác phẩm Rồng ẩn | Nguyễn Hồng Quang

 

Bên cạnh đó, các sáng tác về tình yêu thiên nhiên, con người, cuộc sống, về Tết cũng xuất hiện đầy ấn tượng trong triển lãm khi được các hoạ sĩ khai thác theo phong cách rất riêng của mình. Tất cả tạo nên một không gian Tết ấm cúng, đa dạng, tràn ngập màu sắc nghệ thuật.

Cùng “Rồng” đi từ truyền thống tới hiện đại - 10

Những chuyện thường ngày | Nguyễn Minh Hiếu

 

Cùng “Rồng” đi từ truyền thống tới hiện đại - 11

Nắng xuân | Lâm Đức Mạnh

 

Cùng “Rồng” đi từ truyền thống tới hiện đại - 12

Tây Bắc | Nguyễn Thanh Quang

 

Cùng “Rồng” đi từ truyền thống tới hiện đại - 13

Đợi xuân | Tào Linh

 

Triển lãm là lời chúc năm mới mà các hoạ sĩ gửi tới mọi người với niềm hy vọng về một năm Giáp Thìn an lành và hạnh phúc.

Triển lãm diễn ra từ ngày 24/01 đến hết ngày 30/01/2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Huyền Thương