Soi chiếu từ khía cạnh du nhập, phản tư và giao thoa văn hóa với Tây phương, các sáng tác của Vũ Cao Đàm là sự nối dài của hai nền văn hóa trên hành trình khai phá ngôn ngữ nghệ thuật của ông với những chủ đề gần gũi.
Vũ Cao Đàm (1908 – 2000), tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và rời Việt Nam bắt đầu hành trình viễn du năm 1931. Ông nhận học bổng du học tại Trường Mỹ thuật ở Bảo tàng Louvre Pháp (L’École du Louvre) năm 1932. Trong sự nghiệp nghệ thuật của Vũ Cao Đàm, có hai địa hạt ông nhận được nhiều đánh giá cao của giới chuyên môn là điêu khắc (tượng đất nung, tượng đồng khắc họa chân dung thiếu nữ, bè bạn, người thân, các giảng viên, con vật,…) và tranh vẽ trên chất liệu đa dạng, mang ảnh hưởng từ nhiều nguồn văn hóa khác nhau.
Mốc chuyển giao giữa hai chất liệu này diễn ra trong khoảng những năm 1938 – 1945 khi ông đang ở Pháp. Thời điểm đó việc đổ khuôn đồng để điêu khắc bị cấm, dẫn đến quá trình sáng tác gặp nhiều hạn chế nhưng cũng bởi vậy mà Vũ Cao Đàm đào sâu thêm về tranh vẽ. Thời gian đầu với tranh, ông chủ yếu vẽ lụa với một bảng màu tối, bố cục có chiều sâu, nhân sự tác động từ hội họa đời Tống và về sau là hội họa Phục Hưng Ý. Ông đi nhiều, xem nhiều và nghiên cứu cũng nhiều để phát triển ngôn ngữ hội họa trên một nền tảng hình khối của điêu khắc.
Từ tranh lụa, ông chuyển sang vẽ sơn dầu từ khi chuyển về làm việc ở vùng Vence thuộc miền Nam nước Pháp vào năm 1952. Tại đây, ông sống tại biệt thự “Les Cadrans Solaires” và trở nên thân thiết với hàng xóm là họa sĩ Morris Kestelman (1905-1998) – người từng giảng dạy tại Đại học Nghệ thuật Hoàng gia. Tháng 11 cùng năm, ông chuyển tới biệt thự “Les Heures Claires” gần biệt thự “Le Rêve” và “Les Collines”, nơi Henri Matisse và Marc Chagall từng sinh sống.
Ba tác phẩm mực và bột màu trên lụa của Vũ Cao Đàm đạt 2 triệu đô:
Vũ-Cao Đàm, tác phẩm “Jeune femme en bleu dans un paysage” Thiếu nữ mặc áo xanh trong phong cảnh, được sáng tác vào khoảng năm 1939, chất liệu mực và bột màu trên lụa, kích thước 92,5 x 64,5 cm. Giá ước lượng ban đầu 4.500.000 – 6.500.000 HKD, giá bán đã đạt được 6.985.000 HKD tương đương khoảng 910.000$. Phiên đấu giá kỷ niệm 50 năm của Sotheby’s Hồng Kông. Ngày bán 05 Tháng Tư, 2023.
Hình ảnh người thiếu nữ thanh lịch và duyên dáng trong chiếc áo dài truyền thống màu xanh được họa sĩ khắc họa khoảng năm 1939 là thời kỳ đầu ông đang ở Pháp. Ông tập trung vẽ tranh lụa, bút pháp có ảnh hưởng từ hội họa đời Tống, khuông mặt của nhân vật được khắc họa rất đẹp, trong tranh luôn thấy một khoảng trống xa gần thường là phong cảnh êm đềm. Vào thời điểm này, Vũ Cao Đàm thích thể hiện trong các tác phẩm của mình khắc họa những thiếu nữ. Ông đã cống hiến một tuyệt tác hoàn hảo về kỹ thuật bột màu và mực trên lụa hình ảnh người thiếu nữ xinh đẹp qua kỹ thuật điêu luyện mà sẽ rất hiếm gặp sau này khi ông chuyển sang vẽ sơn dầu.
Vũ-Cao Đàm, tác phẩm “Quý bà đang ngồi” sáng tác khoảng năm 1935-1940, chất liệu mực và bột màu trên lụa, kích thước 74 x 55 cm. Giá ước lượng ban đầu 3.500.000 – 5.500.000 HKD, giá bán đã đạt được 5.040.000 HKD tương đương khoảng 650.000$. Địa điểm đấu giá Sotheby’s Hồng Kông. Ngày bán Ngày 05 tháng 10 năm 2022.
Riêng chủ đề này có thể quan sát được có sự phân chia nhị nguyên rõ rệt về phong cách vẽ của Vũ Cao Đàm qua các giai đoạn khác nhau. Ở thời kỳ đầu vẽ lụa, những thiếu nữ hiện lên vẻ lãng mạn với bút pháp lĩnh hội từ tranh lụa đời Tống. Hoạt cảnh chủ yếu được khắc họa là khung cảnh thiếu nữ trong trang phục truyền thống đang ngồi trong một phong cảnh rất yên bình.
Vũ-Cao Đàm, tác phẩm “Deux Femmes”, chất liệu mực và bột màu trên lụa, kích thước 88,5 x 60 cm. Giá ước lượng ban đầu 1.400.000 – 2.800.000 HKD, giá bán đạt 4.032.000 HKD tương đương 510.000$. Địa điểm đấu giá Sotheby Hồng Kông. Ngày bán 18 Tháng Tư, 2021.
Ngoài những mạch nguồn cảm hứng trên trong sáng tác hội họa, nghệ thuật hát cô đầu (ca trù), hoa lá cũng từng là đề tài được ông dày công nghiên cứu. Song tựu trung lại, với mỗi một chủ thể được khắc họa, đều thấy được sự tác động của văn hóa Đông Tây hội ngộ tại tác phẩm của ông. Nhưng dẫu vậy, con đường học hỏi kỹ thuật từ phương Tây với ông cuối cùng vẫn là đi tìm về bản chất dân tộc và qua suốt một chặng đường dài sáng tác ở Pháp, ông cùng với ba họa sĩ khác là Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ và Lê Phổ đã tạo lập nên một bộ tứ danh họa Việt có ảnh hưởng tại châu Âu.
Đúc kết lại, thị trường tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm dự kiến sẽ còn nhiều yếu tố tích cực đến từ phía nhà sưu tập trong nước. Điều đó càng cho thấy sức hút đến từ vốn văn hóa dân tộc và phong cách vẽ ảnh hưởng bởi văn hóa châu Âu trong các sáng tác của ông.
Lê Quang