NGHỆ THUẬT VIỆT NAM THẾ KỶ XX PHIÊN II: TỪ ĐÔNG DƯƠNG ĐẾN ĐƯƠNG ĐẠI

NGUYÊN KHAI (1940-?) Cô gái

Phiên đấu sẽ bắt đầu trong __ ngày và __ giờ

Giá khởi điểm: $12,000

Giá ước lượng: $15,000 - $25,000

Phí đấu giá: 25%

NGUYÊN KHAI (1940-?)

Thể loại: Sơn dầu trên vải

Kích thước: 76 x 100 CM


Nguyên Khai, tên thật Nguyễn Phúc Bửu Khải, sinh năm 1940 tại Huế. Ông theo học năm đầu tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1960 – 1961) sau đó chuyển vào học năm thứ ba và năm thứ tư tại Trường Mỹ thuật Gia Định (1962 – 1963) và là thành viên nòng cốt của Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam vào thập niên 60. Cùng năm 1963, Nguyên Khai đã được Văn Hóa vụ trao tặng huy chương đồng trong cuộc triển lãm mùa xuân. Ông là người hoạt động nghệ thuật năng nổ với nhiều triển lãm trong và ngoài nước kể đến như triển lãm quốc tế năm 1964, triển lãm lưỡng niên định kỳ Paris lần thứ 4 tại Pháp, triển lãm lưỡng niên định kỳ tại Tokyo, Nhật Bản năm 1967, triển lãm lưỡng niên định kỳ tại New Delhi Ấn Độ năm 1968, triển lãm lưỡng niên định kỳ tại Brazil năm 1969. Sau này khi sang Hoa Kỳ định cư, ông vẫn say mê sáng tác và thường xuyên triển lãm tại các trường đại học, phòng trưng bày tư nhân và một số bảo tàng ở California.

Trong lứa họa sĩ trạc tuổi nhau ở thời của ông, có lẽ Nguyên Khai là người thể nghiệm với nhiều chất liệu nhất. Ông sáng tác đa dạng từ sơn dầu, hỗn hợp, sơn mài, tranh in độc bản, tượng, phù điêu và cả vẽ bằng men sứ. Nguyên Khai vẽ từ biểu hiện sang trừu tượng và không phân định rạch ròi từng thời kỳ sáng tạo. Chỉ biết rằng những sáng tác của ông mang ấn tượng thơ mộng, là thi ca của màu sắc và sâu thăm thẳm. Nhiều nhà phê bình nghệ thuật ở Sài Gòn cùng thời đã từng nhấn mạnh tính trữ tình hoài niệm ông lưu giữ từ cuộc đời vào hội họa. Những hoa cỏ vương trong tay người thiếu nữ, những thâm trầm nhẹ nhẹ vỗ về thiên đàng nào đó trong tâm, những đàn ngựa phi nước đại, những đêm tối diệu huyền, những tiếng ca từ loài chim lạ dưới trăng, giữa trời, … mọi vận động trong đời sống hội họa của ông rất riêng và rất “Nguyên Khai”. Nhà phê bình Huỳnh Hữu Ủy cũng từng chia sẻ rằng “tranh của Nguyên Khai là thơ được dựng lại bằng sắc màu trên nền vải. Đó là một thế giới vô cùng thơ mộng, kiểu cách và quý phái như phong cách đã định hình ngay từ những bước đầu… Nghệ thuật của anh là một bắt nhịp ra ngoài cái hiện tiền.” Ánh nhìn lên ngoại cảnh ấy của Nguyên Khai chính là khởi nguồn của sự pha trộn hình ảnh, chuyển động và tạo ra thế giới ảo hoặc, một cách bền bỉ.
Nghệ thuật của Nguyên Khai là như thế, dễ cảm được chất thanh cao và bay bổng trong một miền trời riêng dù ở thời nào chăng nữa.