LƯU CÔNG NHÂN (1930-2007)
Bức vẽ thuộc bộ 5 bức vẽ phong cảnh, được chính thức ra mắt năm 1952.
Họa sỹ Lưu Công Nhân, nguyên quán tại làng Lâu Thượng (nay thuộc thành phố Việt Trì, Phú Thọ), là người được hiệu trưởng Tô Ngọc Vân đánh giá rất cao về thẩm mỹ trong sáng tác. Theo hồi ức của họa sỹ Mai Long: “Ngay từ thời đó, các ký hoạ của Nhân cũng đã rất khác biệt, không còn chỉ là ghi chép thực tế mà thực tế trong ký họa của Nhân đã được chắt lọc với một trình độ thẩm mỹ cao.”
Trong nhiều thập niên cống hiến tận tụy vì tình yêu với vẽ, ông để lại một khối lượng lớn các sáng tác đặc sắc bên cạnh các ghi chép tỉ mỉ như một thước phim dài cho suốt những năm sống với bản thân và nghề vẽ. Ngọn bút tâm tình của ông bất kể là viết hay vẽ cũng đều lay động người thưởng thức. Ông quan sát đời sống và vẽ hiện thực. Những phong cảnh làng mạc trên khắp nẻo đường in dấu chân ông, những người nông dân dắt trâu đi cày, những anh du kích, dân quân, những cô gái trên xe cam nhông, những cô công nhân chít khăn mỏ quạ, những cô nuôi lợn, những bà mẹ, những lùm tre xào xạc rủ bóng xuống mặt ao, … có biết bao nhiêu khoảnh khắc dung dị như vậy đi vào tranh ông bằng các nét bút chủ động, hoàn toàn chế ngự được chất liệu mà đa phần là sơn dầu và màu nước. Trong số đó, hai tác phẩm sơn dầu khổ lớn “Hành quân” (1950) và “Một buổi cày” (1960) đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập lại. Nhưng bấy nhiêu thôi chưa đủ, ở trong con người tài hoa và lịch duyệt ấy gói gọn lại về nghệ thuật là một ý thức tự do, nhẹ nhàng vẽ phóng khoáng và nghiêm cẩn định nghĩa bản thân.