VICTOR TARDIEU (1870-1937)
Được ký và đánh dấu Victor Tardieu 1904 (góc dưới bên phải)
Xuất xứ:
Rudy Agra Fine Art
Bán đấu giá, Doyle, New York, ngày 10 tháng 7 năm 2001, lô số 148
(Đã đóng khung kích thước 24 3/4 x 28 inches)
Victor Tardieu (1870 – 1937) sinh ra trong một gia đình làm nghề buôn tơ lụa ở Lyon. Ông theo học vẽ tại Trường Mỹ thuật Lyon và Trường Mỹ thuật Paris và theo lối vẽ hiện thực cổ điển đậm chất Pháp. Tới mảnh đất Đông Dương lần đầu năm 1920 theo chương trình của giải thưởng Đông Dương (một giải thưởng được trao thường niên bởi chính phủ Pháp từ năm 1910 tới năm 1938 với mục đích hỗ trợ các nghệ sĩ tới các nước thuộc địa cư trú trong 2 năm), sang năm 1921, ông đã có dịp tới Việt Nam, lữ hành từ Sài Gòn ra Hà Nội. Trong thời gian dừng chân tại Hà Nội, ông nhận được hợp đồng thực hiện tác phẩm sơn dầu có diện tích 77 mét vuông để trang trí cho giảng đường lớn của Trường Đại học Đông Dương (Université Indochinoise). Đây là sáng tác kinh điển khái quát khám phá của ông về văn hóa và lối sống địa phương với một hệ thống nhân vật ở nhiều tầng lớp xã hội đương thời. Trong đó, ngoài những hình ảnh người dân dung dị, ông khắc hoạ cả bốn vị Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ. Thêm vào đó, các sáng tác khác của ông cũng dựa theo trải nghiệm vẽ về đời sống xã hội, hoạt cảnh mang hơi thở thời đại với tính lôi cuốn tự nhiên.
Theo lời của họa sĩ Trần Văn Cẩn: “Nếu không có vai trò cá nhân của Victor Tardieu thì hội họa Việt Nam đã đi theo một con đường khác”. Quả thực, Victor Tardieu rất quan tâm đến nghệ thuật An Nam. Năm 1924, ông là người đã trình lên Toàn quyền dự án lập ra Trường Mỹ thuật tại Đông Dương sau khi cùng người bạn Nam Sơn nhận thấy sự bức thiết trong việc phải tạo ra một nền giáo dục có chất lượng mỹ thuật bản địa. Dự án sớm được thông qua, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khai giảng khóa đầu tiên năm 1925, đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho mỹ thuật nước nhà. Trên cương vị hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường, ông đã dẫn dắt thế hệ sinh viên theo tư tưởng tôn trọng các truyền thống vốn có trong khi cởi mở và tiếp thu những cái mới.